Giới thiệu
Địa điểm diễn ra: Nhiều nơi tại Hà Nội
Thời gian diễn ra : Từ mùng 7 đến 9/4 âm lịch
Hội Gióng – Niềm tin vào sức mạnh hào hùng của dân tộc
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.
Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm
Thủy đình tám mái uốn cong tại đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: ST)
Tại đền Phù Đổng, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội, bên góc hồ, có một ngôi thủy đình tám mái uốn cong, là nơi hóng mát ngày thường và là sân khấu biểu diễn rối nước vào các ngày lễ hội. Đây là ngôi đền vẫn còn đầy đủ khuôn viên hoàn chỉnh và nằm trong tầm nhìn rất đẹp từ phía mặt đê.
Tương truyền đền này được dựng trên nền nhà cũ của Thánh Gióng và gọi là chùa Thượng. Phía ngoài đê còn có chùa Hạ thờ mẹ Thánh Gióng, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi mang thai và sinh ra Thánh.
Đền Gióng, Sóc Sơn
Đền Gióng nằm ở núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, là một quần thể di tích lịch sử gồm: đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và đặc biệt là bức tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng nguyên chất. Quần thể di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Tại đây có rất nhiều điểm tham quan mà bạn không nên bỏ qua như:
Đền Hạ – Đền Trình: Điểm đến đầu tiên trong cụm di tích chính là đền Hạ, đề Trình nơi thờ những vị thần trong truyền thuyết. Bên ngoài đền là cây đa cổ thụ bên hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa là những linh vật bằng đá đang ngồi chầu về phía Đền.
Đền Mẫu: Đền Mẫu chính là nơi thờ mẹ của Thánh Gióng và đây cũng là ngôi đền nhỏ nhưng được trạm trổ vô cùng tinh xảo và tinh tế. Ngay trước cửa có đề dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Bên trong khuôn viên còn có giếng Mẫu với màu nước xanh mát quanh năm. Nhưng hiện tại giếng này được quá nhiều du khách ném tiền lẻ xuống nên ban quản lý di tích đã che miệng giếng lại để tránh hành động đó.
Chùa Đại Bi: Đây là ngôi chùa lập nên để thờ những vị sư cao tuổi ngày xưa vì yêu mến cảnh vật mà ở lại đây tu tới khi thành chính quả.
Nhà bia: Nhà Bia được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến nên vô cùng vững trãi với phần đỉnh như chóp nón nhìn xa tựa chiếc mũ sắt của thánh Gióng năm xưa. Theo người dân Sóc Sơn thì nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Tượng đài Thánh Gióng: Được xây dựng trên đỉnh núi Đá Chồng, tượng làm hoàn toàn từ đồng nguyên chất, cao 11,07m, nặng 85 tấn. Bức tượng này được khánh thành vào năm 2010, là một trong các công trình xây dựng nhằm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
(Ảnh: ST)
Đền Thượng: Đền thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa dân gian Việt Nam.
Chùa Non Nước: Chùa Non Nước tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự nằm ở độ cao 110m so với chân núi. Chùa có một không gian khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên yên tĩnh. Trong chùa có bức tượng phật Tổ Như Lai bằng đồng nguyên khối nặng tới 30 tấn và cao 8m..
Hoạt động trong lễ hội Gióng
Trước kia Hội Gióng Phù Đổng diễn ra trong 12 ngày (từ mùng 1 đến 12/4 âm lịch). Ngày nay lễ hội Thánh Gióng được diễn ra chính thức trong 3 ngày (từ mùng 7 – 9/4 âm lịch). Sau ngày khai hội là ngày diễn ra các nghi lễ chính “Rước nước” để tôi luyện khí giới cho quân lính trước khi xuất trận. Nghi lễ này được thực hiện theo đúng truyền thống một cách tôn nghiêm. Bên cạnh các nghi lễ, Hội Gióng có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bóng chuyền, cầu lông… thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Người dân mang lễ vật tới cung tiến trước cửa đền Thượng (Ảnh: ST)
Hội Gióng như là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hoá. Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. Ngày chính hội diễn ra hai trận đánh: Trận thứ nhất, đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km); trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, mỗi chiếu có 1 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 1 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm).
Lễ rước nước về đền Thượng (Ảnh: ST)
Trận đánh Soi Bia, ông Hiệu Cờ múa cờ lệch với các động tác múa cờ Thuận và múa cờ Nghịch, thể hiện sự mưu lược sáng tạo trong Binh Pháp (Ảnh: ST)
Sau khi đánh thắng giặc Ân, dân làng mở Hội Yến khao quân ông Gióng (Ảnh: ST)
Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo trong tiếng chiêng, tiếng trống thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Ông Hiệu múa cờ tránh cho lá cờ bị cuốn vào cán, bởi cờ bị cuốn có thể là điềm rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu lấy may. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong điệu múa lời ca của phường Ải Lao. Các chiếu chèo và các trò chơi dân gian diễn ra ngay tại đây. Tướng và quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng – thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Du lịch Hội Gióng
NetViet luôn sẵn sàng giúp bạn có một chuyến đi vui vẻ và thành công