Thác Bản Giốc
Giới thiệu
Huyền Diệu Thác Bản Giốc – Thác Nước Hùng Vĩ Nhất Đông Nam Á
Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, được tạo thành từ một phần của sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chia làm hai phần, thác chính và thác phụ. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Thác Bản Giốc hùng vĩ được tạo nên bởi sự tuôn chảy liên tục của dòng sông Quy Xuân hiền hoà. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của xã Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 mét, tạo thành thác Bản Giốc hùng vĩ kiêu sa. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Thác Bản Giốc bao gồm cả thác chính và phụ với tổng chiều rộng khoảng 208 mét, thác chính có chiều rộng 100 mét, độ sâu 60 mét và độ cao là 70 mét. Từ trên cao những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc núi đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây xanh chia dòng sông thành 3 dòng nước ào ào giội xuống như ném hàng ngàn tấn lụa trắng xuống dưới. Vào những hôm trời nắng, ánh nắng chiếu vào dòng thác qua làn nước bụi mù mịt tạo nên những chiếc cầu vồng lung linh huyền ảo.
Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng mênh mông phẳng lặng nước xanh ngắt trong vắt lồng lộng soi bóng trời mây, hai bên là những thảm cỏ xanh rì, nơi đây không những cảnh vật thiên nhiên đẹp tuyệt vời mà còn có những đặc sản quý giá: cá Trầm Hương – một loại cá sông thịt thơm ngon và chắc.
Thác Bản Giốc như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đến đây Du khách sẽ choáng ngợp say đắm trước sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên, sự hiếu khách của người dân bản địa. Thác Bản Giốc thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho kì nghỉ trọn vẹn bên gia đình và người thân.
ĐƯỜNG NÀO LÊN THÁC BẢN GIỐC?
Nếu du khách đi ô tô khách thì có tuyến xe khách đi Cao Bằng, xuất phát ở bến xe Mễ Trì, 01 ngày có hai chuyến 6h – 8h sáng, giá vé khoảng 60.000 đồng/chuyến. Xe dừng ở bến xe tỉnh Cao Bằng. Sau đó bạn sẽ phải đi ô tô tiếp từ bến xe Cao Bằng đến huyện lỵ Trùng Khánh. Để có nhiều thời gian vui chơi dành cho chuyến tham qua Thác Bản Giốc bạn nên đi vào chuyến xe sớm nhất hoặc chuyến xe chạy tối phải ngủ lại ban đêm trên xe.
Nếu du khách muốn tận hưởng cảm giác mới lạ của chuyến hành trình thì nên đi xe máy, nhưng phải chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ, kiểm tra xe cẩn thận trước khi lên đường và các vật dụng cá nhân khác. Tuy nhiên đi xe máy thì sẽ mất nhiều thời gian và mệt hơn, bù lại bạn sẽ được chủ động tham quan hơn.
NÊN MANG THEO GÌ ĐẾN THÁC BẢN GIỐC?
– Thời điểm Thác Bản Giốc đẹp là vào khoảng tháng 8 – 9 nước trong xanh hoặc những ngày sau Tết không khí mát mẻ, tùy theo du khách đến mùa nào mà chọn trang phục phù hợp tuy nhiên nên mặc trang phục năng động gọn gàng như áo thun, quần jean, quần short, giày thể thao, tránh mang đầm, váy và mang giày cao gót để tiện di chuyển không bị trật chân.
– Cần chuẩn bị thuốc y tế như thuốc bôi do côn trùng đốt và kem chống nắng và vài loại vật dụng cần thiết như thuốc cảm, băng keo cá nhân, oxy già,…
– Một chiếc nón rộng vành cùng cặp mắt kiếng và dù che sẽ giúp bạn tha hồ phiêu lưu khám phá mọi ngõ ngách hang động và thác nước.
ĐẶC SẢN THÁC BẢN GIỐC – CAO BẰNG
Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới nên đặc sản cũng rất phong phú và hấp dẫn du khách bởi tính chất lạ và độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc thiểu số. Nếu du khách đến đây tham quan thiên nhiên hùng vĩ thì nên nán lại để thỏa thuê khẩu vị của mình khi thưởng thức những món ngon Cao Bằng như: gà nướng, lợn bản nướng, phở chua, cóng phù, vịt quay 7 vị Cao Bằng, chè đắng, khẩu phảng, cháo nhộng, bánh trứng kiến,…
Tuy nhiên có một đặc sản trứ danh du khách nào đến đây đều không quên mua lại mang về làm quà cho bạn bè, gia đình, đó là hạt dẻ Trùng Khánh. Hạt dẻ chín sẽ bốc lên mùi thơm ngào ngạt, mầu hạt dẻ sẽ nâu bóng như mầu cánh rán, nó không đen như hạt dẻ rang bằng bếp than, khi tách vỏ cắn vào một miếng thơm ngòn ngọt đến bùi miệng, muốn ăn 1 hạt rồi lại 1 hạt nữa.